Ở phần Các loại vải sử dụng cho rèm vải cao cấp, Mihn HOME đã giới thiệu sơ qua với các bạn về vải lụa được sử dụng cho rèm cửa, tạo độ rủ mềm mại và sự sang trọng.
Bài này, Mihn HOME sẽ giới thiệu cụ thể hơn về lịch sử hình thành của lụa, các loại lụa, cách kiểm tra chất lượng lụa… để bạn có thể tham khảo không chỉ làm rèm cao cấp cho nhà mình mà còn phân biệt được các loại lụa khi mua sắm làm quần áo hoặc vật liệu trang trí.

Lịch sử hình thành
Có thể chắc chắn rằng lụa xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào khoảng năm 6000 TCN. Khi đó, con người chỉ dệt lụa từ sợi tơ tự nhiên của kén bướm, sau khi bướm đã thoát xác. Vì thế, sợi tơ thường ngắn và lụa không bền. Lụa từ tơ tằm dâu xuất hiện vào khoảng năm 3000 TCN.Theo truyền thuyết, có một bộ tộc tên Tây Lăng Thị (西陵氏) tồn tại trong thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Hoa.
Thời ấy, trong Tây Lăng thị, có người con gái tên Luy Tổ vừa xinh đẹp vừa tài năng thông tuệ, nức tiếng khắp nơi. Sau này, bà trở thành vợ của Công Tôn Hiên Viên nước Hữu Hùng. Sau này, khi Hiên Viên đánh bại Xi Vưu và lên làm Hiên Viên Đế, Luy Tổ trở thành Hoàng Hậu. Bà là người đã đặt ra thể chế cho tam cung lục viện để dễ bề cai quản trong cung, đồng thời cũng chính là người đã tìm ra cách nuôi tằm.

Một ngày nọ, khi Hoàng hậu đang thưởng trà dưới cây dâu tằm, một kén tằm rơi vào chén trà của bà rồi nhả tơ. Hoàng hậu rất yêu thích sợi tơ lấp lánh này nên đã sai người tìm hiểu và phát hiện ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy tơ từ kén tằm, thậm chí bà cũng là người phát minh ra cuộn tơ và khung cửi.
Dù không biết truyền thuyết chính xác được mấy phần, nhưng tất cả chúng ta đều biết đến lụa và biết rằng trở thành sản phẩm độc quyền của nền văn hóa Trung Hóa trong suốt 3000 năm. (Nguồn: texeresilk và Wikipedia)
Con đường tơ lụa
Thời gian đầu, lụa chỉ được sử dụng cho tầng lớp hoàng tộc của Trung Hoa, nhưng sau đó, lụa trở nên phổ biến hơn trong tầng lớp đại chúng. Dần dà, lụa vươn ra ngoài biên giới đất nước này và được ưa chuộng ở những nơi có thương nhân Trung Quốc đến giao dịch.
Nhu cầu sử dụng tơ lụa ngày một tăng cao, từ đó, Con đường Tơ Lụa trứ danh ra đời. Lụa từ Trung Hoa được mang đến phương Tây, còn vàng, bạc và len thì theo con đường này về Trung Hoa. Tuy nhiên, con đường này lại không phải con đường Vàng Bạc hay Len, bởi vì người xưa coi trọng tơ lụa hơn cả vàng bạc.
Con đường Tơ Lụa kéo dài khoảng 4,000 dặm từ phía Đông Trung Hoa lúc ấy đến tận Địa Trung Hải. Con đường Tơ Lụa bắt đầu từ Vạn Lý Trường Thành về phía tây bắc, đi qua sa mạc Takla Makan ( 塔克拉玛干沙漠, Tháp Khắc Lạc Mã Can), vượt qua núi Pamir (葱嶺, Thông Lĩnh), ngang qua Afghanistan ngày nay, tiếp tục đến chợ Levant – điểm giao thương chính ở Damascus (thủ phủ Syria). Các thương nhân sẽ đưa hàng từ Levant đến Địa Trung Hải. Rất ít người đi hết cả con đường dài này, chủ yếu họ trao đổi hàng với nhau tại các điểm trung chuyển.
Tuy được buôn bán rộng rãi trên hai lục địa Á-Âu, người Trung Quốc vẫn giữ kín bí mật của tơ lụa hơn 30 thế kỷ. Khách du lịch và thương nhân sẽ bị khám xét kỹ càng trước khi ra khỏi biên giới. Bất cứ ai có ý định ăn trộm trứng tằm, kén tằm hay tằm ăn dâu đều sẽ bi xử trảm.
Trồng dâu nuôi tằm ở châu Á và châu Âu
Dù người Trung Hoa đã gắng sức giữ bí kíp độc quyền về trồng dâu nuôi tằm và sản xuất tơ lụa, những nơi khác vẫn dần tiếp thu và phát triển sản phẩm tơ lụa của riêng họ. Vào khoảng năm 200 TCN, người Triều Tiên (Cao Ly) đã học hỏi từ những người Hoa di cư đến bán đảo của họ và bắt đầu sản xuất tơ lụa. Năm 300 SCN, Ấn Độ, Nhật Bản và Ba Tư cũng bắt đầu sản xuất tơ lụa.

Đế quốc La Mã cũng giao thương tơ lụa nhưng châu Âu chỉ biết cách sản xuất tơ lụa vào khoảng năm 550 SCN, qua Đế chế Byzantine.
Đế chế Byzantine từng là cửa ngõ hai lụa địa Á-Âu, thủ phủ giao thương cực thịnh của thế giới, vì thế không có gì ngạc nhiên khi các bí mật về sản xuất tơ tằm đã tụ hội ở đây. Người Byzantine cũng biến tơ lụa thành sản phẩm độc quyền của họ ở châu Âu, chặn mọi cách mang bí mật này ra khỏi mảnh đất của họ.
Tuy nhiên, sau này, người Ả Rập chinh phục Ba Tư và nắm được kỹ thuật dệt lụa tuyệt hảo của người Byzantine. Từ đó, dệt lụa theo người Ả Rập đi khắp châu Phi, Sicily và Tây Ban Nha. Andalusia (Tây Ban Nha) là nơi sản xuất tơ lụa chủ yếu vào thế kỷ 10 SCN.
Khoảng thế kỷ 13, người Ý nắm quyền thống trị và cũng bước chân vào ngành sản xuất tơ lụa danh tiếng. Các thương nhân Venice giao thương tơ lụa rất nhiều, vì thế họ cũng thúc đẩy việc nuôi trồng tơ tằm ở Ý. Kể từ đó, lụa Ý là một trong những sản phẩm tơ lụa được giao thương nhiều nhất. Cho đến ngày nay, tỉnh Cosmo của Ý vẫn là một nơi nổi tiếng với kỹ thuật dệt-nhuộm-in với lụa.
Lụa Ý nổi tiếng tới nỗi vua Francis đệ nhất của Pháp đã mời những người làm tơ lụa Ý đến Pháp để khởi đầu ngành tơ lụa ở Pháp, đặc biệt là Lyon. Vào khoảng thế kỷ 17, Pháp thách thức quyền thống trị của Ý. Tiếp tục đến năm 1804, Jacquard (7/7/1752-7/8/1834) đã hoàn thiện công nghệ dệt lụa hoa sử dụng thẻ đục lỗ.
Đây là cuộc cách mạng trong công nghiệp dệt đem đến sức mạnh ghê gớm cho công nghiệp dệt lụa tại Lyons và sau đó là các nước châu Âu khác còn lụa dệt ở Lyon ngày đó vẫn còn nổi tiếng vì kỹ năng dệt độc đáo đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, thế kỷ 19, dâu tằm Pháp bị dịch tằm gai (pebrine). Bệnh đã lan truyền sang khắp châu Âu và Trung Đông. Do đó ngành dâu tằm đã gần như bị xoá sạch do bệnh dịch này. Năm 1870 Louis Pasteur đã phát hiện ra bào tử gai là nguyên nhân gây bệnh và ông đã đưa ra cách loại trừ bệnh dịch này. Do vậy mà ngành dâu tằm đã thoát khỏi khủng hoảng và nay được tiếp tục được mở rộng phát triển. Vì lợi ích kinh tế đem lại nên ngành dâu tằm tơ được nhiều nước quan tâm.

Tơ lụa ngày nay
Vào thế kỷ 19, ngành sản xuất lụa của châu Âu mất vị thế do Nhật Bản sản xuất được loại tơ lụa giá rẻ hơn, đặc biệt là sau khi mở kênh đào Suez.
Những nguyên liệu nhân tạo như nylon cũng được ưa chuộng vì giá thành rẻ và tính năng tiện dụng của chúng. Hai cuộc Thế chiến nổ ra khiến ngành sản xuất tơ lụa bị đình trệ hẳn.
Sau Thế chiến, Nhật Bản khôi phục lại ngành tơ lụa, nâng cao chất lượng thành phẩm lụa thô. Cho đến năm 1970, Nhật Bản gần như là nước duy nhất xuất khẩu lụa. Trung Quốc cũng lấy lại vị thế sản xuất và xuất khẩu tơ lụa lớn nhất thế giới.
Hiện nay, gần 2/3 lượng tơ lụa trên thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc. Còn lại là tơ lụa có nguồn gốc từ các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Uzbekistan và Brazil. Hoa Kỳ là nước nhập khẩu tơ lụa lớn nhất thế giới.
Tơ lụa ở Việt Nam
Chuyện kể rằng công chúa Thiều Hoa, con Hùng Vương thứ 6 là một người con gái xinh đẹp nức tiếng gần xa nhưng nàng lại không chịu lấy chồng mà bỏ sang sống ở một nơi khác. Nàng có biệt tài nói chuyện với chim và bướm.
Một lần nọ, Thiều Hoa trò chuyện với bướm nâu và được bướm cho biết bướm nâu chỉ ăn lá dâu tằm rồi đẻ trứng thành sâu và nhả ra tơ vàng. Bướm dẫn Thiều Hoa ra bờ sông xem hàng ngàn con dâu làm kén. Thiều Hoa xin bướm nâu giống trứng ấy và được bướm nâu chỉ cho cách kéo tơ và đan tơ thành lụa.
Sau khi thành thạo, Thiều Hoa truyền dạy cho người dân của nàng cách trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, dệt tơ thành lụa. Nàng đem tặng tấm lụa đầu tiên cho vua cha, được Hùng Vương hết lời khen ngợi. Từ đó, người ta tôn Thiều Hoa làm tổ sư nghề lụa, thờ nàng làm Thành hoàng của làng.
Sách Hán Thư cũng ghi người Lạc Việt biết trồng dâu nuôi tằm, “một năm hai vụ lúa, một vụ tằm”.
Lụa cũng đi vào đời sống người Việt Nam qua những câu ca dao, tục ngữ như “người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”, “sống trong nhung lụa”, ý nói về vẻ đẹp bề ngoài và sự giàu sang phú quý.
Có câu “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng, vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”, nói về những đặc sản của các vùng Nga Sơn, Bát Tràng, Nam Định, Hà Đông, trong đó Hà Đông là nơi nổi tiếng về dệt lụa đẹp với nhiều mẫu hoa văn. “The La/lĩnh Bưởi/sồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên” nói về the, lĩnh, sồi… đều là các loại vải làm dệt từ tơ tằm… (Nguồn Wiki)
Tham khảo:
Du lịch Thăng Bình: Có một thời tơ lụa trong văn hóa dân gian Quảng Nam
Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm Tơ TW: Truyền thuyết Việt Nam
Max Reading: Ca dao về Hà Nội
LIÊN HỆ rèm cửa, chăn ga gối, nội thất vải khác:
Facebook: Mihn HOME
Hà Nội: 097 446 3633 | Số 10 đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Cầu Giấy, Hà Nội
Hạ Long: 097 757 0055 | phố Hải Phúc, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, Quảng Ninh
[…] P1, Mihn HOME đã giới thiệu với các bạn lịch sử hình thành của loại vải cao […]
[…] HOME đã giới thiệu về vải lụa trong series về Vải lụa (P1, P2, P3). Trong số các loại vải cao cấp, satin là loại vải được sử dụng cho […]